Monday, October 27, 2014

Những điểm tham quan lý tưởng khi đến Côn Đảo

Du khách khi ghé thăm Côn Đảo, không thể nào bỏ qua một số điểm tham quan nổi tiếng tại Côn Đảo như: Hòn Bà, Vịnh Đầm Tre, Bãi Ông Đụng, Hòn Tài, Hòn Bảy Cảnh, Hòn Cau, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Nghĩa Trang Hàng Dương ... Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích về các địa danh, điểm tham quan nổi tiếng tại Côn Đảo, để có được một chuyến du lịch thật trọn vẹn tại Côn Đảo. 

Trung tâm du khách Vườn quốc gia Côn Đảo

Nằm gần Hồ Quang Trung, cách chợ Côn Đảo một km về phía Tây. Trung tâm du khách sẽ lập kế hoạch và điều phối, tổ chức cho du khách tham gia các loại hình, dịch vụ du lịch sinh thái rừng, du lịch sinh thái biển Vườn quốc gia Côn Đảo, đồng thời là điểm tiếp đón, giới thiệu các thông tin về giá trị tài nguyên thiên nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển của Vườn quốc gia Côn Đảo nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn đối với du khách và cộng đồng địa phương. 



Bãi Ông Đụng

Đây là điểm du lịch hấp dẫn nằm trên đảo Côn Sơn, cách trung tâm Vườn khoảng 3 km về phía Tây, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, môi trường trong lành. Từ trung tâm Vườn du khách đi bộ khoảng một giờ trên đường mòn xuyên qua khu rừng sẽ đến Bãi Ông Đụng.

Từ Bãi Ông Đụng du khách có thể thuê canô của Trạm Kiểm lâm tham quan các đảo lân cận như Hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ tham quan, bơi lội xem san hô và xem chim biển.

Sở Rẫy

Nằm trên đảo lớn Côn Sơn, có độ cao 260m so với mực nước biển. Từ Trung tâm Vườn du khách đi theo con đường ven núi đến Vùng 3, sau đó tiếp tục leo núi theo đường mòn nhỏ để đến Sở Rẫy. Sở Rẫy là khu vực bằng phẳng, có diện tích khoảng 20 ha được hình thành từ thời Thực Dân Pháp để đày ải tù nhân khai hoang, trồng trọt hoa màu vào những năm đầu thế kỷ 20.

Năm 2002, BQL Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện chương trình trồng phục hồi lại hiện trạng rừng bị thiệt hại sau cơn bão Linda năm 1997 nhằm bảo tồn nguồn gen quý, hiếm và trồng thêm nhiều loài cây có quả bản địa làm giàu nguồn thức ăn tự nhiên, dẫn dụ động vật rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục và tham quan du lịch sinh thái.

Đến Sở Rẫy du khách đi bách bộ tham quan, khám phá rừng mưa nhiệt đới hải đảo, quan sát các loài động vật hoang dã như Chim, Sóc đen Côn Đảo, Khỉ đuôi dài Côn Đảo, Thạch sùng Côn Đảo…, các khu nhà đá cổ do tù nhân xây dựng từ thời Pháp thuộc và lên chòi quan sát ngắm toàn cảnh thị trấn Côn Đảo, các hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của đảo, vịnh Côn Sơn và các hòn đảo xung quanh. Sau đó du khách tiếp tục đi bộ xuống núi về phía Tây đến tham quan Bãi Ông Đụng, bơi lội xem san hô, ăn trưa và buổi chiều trở về lại trung tâm Vườn quốc gia Côn Đảo.


Bãi Đầm Trầu

Du khách đi về hướng Bắc của đảo Côn Sơn để đến bãi Đầm Trầu. Bãi Đầm Trầu đã từng được ví như một dãi lụa vàng thắt ngang tấm thảm xanh, nửa vắt ngang cánh rừng nửa buông xõa trên mặt biển. Một vách đá dựng đứng tôn thêm dáng núi uy nghi, một triền đá thoai thoải trãi dài đến tận mép nước như chào mời thân thiện. Ấn tượng hùng vĩ của thế núi, cảm giác sâu thẳm của biển cả và sắc xanh bất tận là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai đến nơi này, ngay cả những du khách khó tính nhất cũng phải thấy mềm lòng. Chọn một địa điểm thích hợp và cùng ngồi kể nhau nghe truyền thuyết về bãi Đầm Trầu và Hòn Cau, bơi lội, tắm biển,...

Nếu muốn khám phá hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển như ở đồng bằng sông Cửu Long du khách đi bộ qua bên kia mõm đá để đến với bãi Đầm trầu Nhỏ. Với nhiều loài thực vật ngập nước như cây bần, mắm, dừa nước,...mọc trên bãi bùn ven suối, vào mùa mưa có nước chảy từ trên các khe núi xuống và dòng nước trở nên ấm nên còn được gọi là suối nước nóng.

Vịnh Đầm Tre

Nằm ở phía Bắc đảo Côn Sơn và cách sân bay Côn Đảo 3 km. Đây là vịnh kín gió, ăn sâu vào trong đất liền, sự kết hợp hài hòa giữa biển và núi bao bọc xung quanh, tạo cho vịnh có nhiều cảnh quan thơ mộng, huyền bí, phong cảnh hữu tình và môi trường trong lành.

Trong vịnh phân bố đầy đủ các hệ sinh thái của một vùng biển nhiệt đới hải đảo như hệ sinh rừng ngập mặn, cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô và không gian biển trong vịnh được quy hoạch là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Hòn Bà: Có diện tích tự nhiên là 576 ha, là đảo lớn thứ ba trong quần đảo Côn Sơn. Hòn Bà nối liền với hòn Côn Sơn bằng Cửa Tử, tạo thành vịnh Bến Đầm. Đây là vịnh kín gió, rộng là nơi neo đậu trú bão của tàu thuyền ngư dân trên biển.

Tài nguyên rừng trên Hòn Bà đa dạng và phong phú có nhiều cây gỗ quý, hiếm và nhiều loài động vật quý, hiếm đặc hữu như Khỉ đuôi dài, Sóc đen Côn Đảo, Heo rừng, Kỳ đà, chim rừng…

Khi đến Trạm kiểm lâm Hòn Bà, du khách đi bộ xuyên rừng khoảng 20 phút về phía Tây sẽ đến được bãi Đầm Quốc để khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, tắm biển, bơi lội có kiếng lặn và ống thở xem san hô và sinh vật biển; hoặc du khách có thể leo núi chinh phục Đỉnh Tình Yêu, với độ cao 352m và các đỉnh núi lân cận quan sát toàn bộ vịnh Bến Đầm và các đảo xung quanh.


Hòn Tài: Nằm về phía Đông Nam đảo Côn Sơn, có diện tích 34 ha, cách Cầu tàu du lịch Côn Đảo 5,3 km và cách Mũi Cá Mập khoảng 1km. Hòn Tài có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khi du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, khám phá thiên nhiên trên đảo.

Hòn Tài có 2 bãi cát nhỏ, trắng mịn hàng năm đến mùa sinh sản có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng và có hàng ngàn lượt rùa con được trở về với đại dương (từ tháng 4 – 9 hàng năm). Tài nguyên biển xung quanh Hòn Tài phong phú và đa dạng, có nhiều loài sinh vật biển như: san hô, cá, trai tai tượng, rùa biển, … nên được quy hoạch phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc hợp phần bảo tồn biển.

Hòn Cau: Khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên "Xóm Bà Thiết". Hòn Cau là một trong hai đảo thuộc quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Phía trước Hòn Cau có bãi Cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn hàng dừa và cây Phong Ba sừng sững chắn gió xanh bất tận, sâu lắng tiếng sóng vỗ rì rào, từng làn sóng tung bọt trắng xóa, kéo du khách hòa vào không gian tuyệt vời của đất, trời và biển. Hòn Cau cũng là một địa ngục trần gian khác nữa, giam giữ những nhà họat động Cách Mạng mà nổi tiếng nhất phải kể đến Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào khoảng thời gian 1930 – 1931.

Đến với Hòn Cau, du khách thăm di tích lịch sử giam giữ nhà hoạt động cách mạng nỗi tiếng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1930 – 1931; tham quan rừng dừa, vườn cây ăn trái, tìm hiểu công tác bảo tồn thiên nhiên, bơi lội xem san hô… là những khoảnh khắc, những trải nghiệm đầy thú vị khó quên và tận hưởng cảnh đẹp hoang sơ và môi trường trong lành.

Hòn Tre Nhỏ

Nằm về phía Tây đảo Côn Sơn, cách bãi Ông Đụng 2 km, có diện tích 11 ha. Thực vật phân bố trên đảo chủ yếu là cây tre nên gọi là Hòn Tre Nhỏ. Hòn Tre Nhỏ là sân chim trên biển, hàng năm từ tháng 5 – 9 có hàng ngàn lượt chim di cư từ phương Bắc về đây làm tổ và đẻ trứng như: Nhàn mào, Hải âu, các loài Nhạn biển... 

Hòn Tre Lớn: Có diện tích tự nhiên 77 ha, nằm về phía Tây của đảo Côn Sơn, cách cảng Bến Đầm 5km. Tài nguyên rừng có nhiều loài thực vật đặc trưng như: Bàng biển, Bàng vuông, Phong ba,... Động vật rừng có Sóc mun, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển, Yến hàng, Bồ câu Nicoba, chim Gầm ghì trắng,..

Tài nguyên biển rất đa dạng và phong phú như: các loài cá sống trong rạn san hô, trai tai tượng ốc bàn tay, rùa biển,... nên không gian biển khu vực quanh đảo Hòn Tre Lớn được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái.

Hòn Tre Lớn có bãi cát nhỏ, trắng, mịn, là bãi có nhiều rùa biển lên đẻ trứng xếp thứ hai (sau bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh) của rùa biển Côn Đảo. Mỗi năm có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng. Để đến được Hòn Tre Lớn, du khách có thể đi tàu hoặc ca nô từ cảng Bến Đầm hoặc từ bãi Ông Đụng.

Hòn Bảy Cạnh

Nằm về phía Đông của đảo Côn Sơn, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới hải đảo, về động vật hoang phân bố các đặc hữu, quý, hiếm như Sóc mun, Sóc đen Côn Đảo, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển...

Hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực bãi Bờ Đập là rừng ngập mặn nguyên sinh được hình thành trên nền cát lẫn san hô chết. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.

Không gian biển hòn Bảy Cạnh được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Tài nguyên biển xung quanh hòn Bảy Cạnh có dạng sinh học cao, với nhiều loài sinh vật biển như: các rạn san hô với thành phần loài đa dạng, các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển, rong biển….nên được quy hoạch là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái phục vụ cho công tác bảo tồn thiên nhiên.


Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh là 01 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4 – 9 hàng năm), đêm ít nhất 1 – 2 cá thể, đêm nhiều có từ 20 – 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.

Ngọn Hải Đăng ở phía Đông Bắc đảo do Pháp xây dựng từ năm 1884 đến nay vẫn đang hoạt động, hướng dẫn tàu thuyền đi lại trong khu vực. Du khách đi theo đường mòn ven núi lên ngọn Hải Đăng để ngắm nhìn cảnh quan bao la và hùng vỉ của trời và biển Côn Đảo./.

No comments:

Post a Comment