Tháng 9 âm lịch hằng năm, thượng nguồn sông Hậu nước nổi về. Đường lớn (đường tuyến, là dòng kinh lớn ven bờ bao) nước no đầy. Đó là lúc Rừng tràm Trà Sư bừng lên sinh khí của một mùa du lịch nhiều hứng khởi. Nhớ khi mùa nước cạn, đường lớn cũng như đường tuyến (đường xương cá chạy xuyên len lỏi giữa những cánh rừng tràm) nước chỉ lấp xấp cạn, vỏ lãi hoặc xuồng năm lá di chuyển làm bùn từ đáy kinh hay đầm trào lên màu phù sa cũ. Vỏ lãi chạy trên đường tuyến băng qua những vạt sen tàn. Những đóa sen hồng lẻ loi vươn lên giữa rừng lá sen dần úa màu. Dòng kinh hun hút trải dài trước mắt tràn đầy những cánh bèo tai tượng xanh tươi. Vỏ lãi hoặc xuồng chèo lướt tới cảm giác đau lòng như "cán" những cánh bèo vô tội. Đến mùa nước nổi thì khác. Những cánh bèo tai tượng như dịch chuyển đến chốn nào, chỉ còn lác đác. Chiếm tràn cả mặt nước bao la ôm trọn hàng triệu triệu chân tràm trong đầm rừng là những cánh bèo cám nhỏ li ti, tạo cảnh quan xanh một màu thạch bích. Vỏ lãi hoặc xuồng chèo như đưa ta vào thế giới của thời tạo thiên lập địa, khi đất trời còn rất hoang sơ. Không gian vô cùng im vắng. Chỉ có tiếng chim non líu ríu gọi mẹ đòi ăn. Chỉ có tiếng gió ngàn xa đưa về xạc xào ngàn cây lá thẫm. Một thế giới mà nếu không đến đây người thành thị khó lòng nghĩ tưởng được. Rừng tràn ngập những tràm là tràm. Những thân tràm gió, còn gọi tràm da giấy, như một kỳ công, một trò chơi nghệ thuật của tạo hóa. Không giống những thân tràm Úc ngoại nhập thẳng đuột vươn cao thân bao bọc xung quanh diện tích rừng, tràm gió có muôn hình vạn trạng, dáng vẻ nào cũng khiến ta hoàn toàn khâm phục bàn tay tạo hóa tài tình, vì không họa sĩ nào dù tưởng tượng phong phú đến đâu phác tạo được. Đi xuồng xuyên rừng như xuyên qua nhiều thế kỷ quá khứ trong không gian hầu như lúc nào cũng thiếu ánh nắng mặt trời. Đầm rừng là vùng đất ngập nước tự nhiên còn sót lại của tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL. Ngày 27/5/2005 đầm rừng nầy được Nhà nước công nhận Khu bảo vệ cảnh quan rừng đặc dụng và bước đầu tổ chức hoạt động du lịch sinh thái. Đầm rừng có diện tích 845ha thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; được hình thành do hệ thống đê bao vuông tiếp giáp 3 xã Thới Sơn, Văn Giáo, Vĩnh Trung (Tịnh Biên) và xã Ô Long Vĩ của huyện Châu Phú (An Giang) về phía đông. Ngoài tràm, đầm rừng còn có 140 loài thực vật, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 13 loài thủy sinh và 70 loài cỏ (nổi bật nhất là cỏ bắc – nấu nước uống có mùi thơm với công dụng giải nhiệt). Sống trong đầm rừng có 11 loài thú, 20 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Hễ thấy chim đầu đỏ mình xanh là trích cồ, màu xám là vạc, đen tuyền là cồng cộc, dơi quạ. Dơi quạ ở đây sống riêng biệt bìa một đầm rừng. Vỏ lãi vừa tới bìa rừng, vỗ tay, la lớn, chúng bay túa lên. Rợp trời. Như một thuở hồng hoang. Chim ở rừng có 70 loài thuộc 13 bộ và 3 họ. Trong đó có 2 loài quý hiếm là cò lạo Ấn Độ (giang sen), cò rắn (điêng điểng). Có nhiều loài kiếm ăn không phụ thuộc vào đất ngập nước như chim ngói và sáo đá đuôi hung... Đến với rừng, ta còn thú vị khi lên đài quan sát. Trên đài cao 14m, vào buổi chiều, chứng kiến cảnh hàng hà sa số những cánh chim hoang dã bay về tổ. Đó là những chòm-mây-trắng, những chòm-mây-đen phủ kín bầu trời, bám đầy tán tràm bao bọc xung quanh đài. Trong ánh nắng xế chiều, nhìn về Tỉnh lộ 948 thấy bên trái núi Cấm hùng vĩ đỉnh mù mây, phía tay phải ngọn núi Sam đơn độc, còn sau lưng là những dãy núi nối nhau chạy dài cuối chân trời. Hoàng hôn buông sẫm. Bóng tối bao la tràn phủ khắp mọi nơi là lúc rừng như chìm trong im vắng. Rờn rợn nhớ những câu chuyện đường rừng kỳ bí xa xưa đã đọc! Rời chân xuống đài, nơi có bữa tiệc núi rừng hoang sơ đợi. Mùi cá lóc và mùi gà ta nướng nồng thơm tỏa không gian. Bữa ăn đậm chất dân dã nhưng rất ngon miệng. Cá lóc đồng chánh hiệu thịt dai và ngọt, nướng trên lửa than phảng phất phong vị hoang dã. Cũng như vậy là những miếng thịt gà nướng. Gà được nuôi thả lang kiếm ăn quanh những bụi lục trúc, tre tàu, có chất lượng không thua gì gà rừng, lại lành tính, an toàn. Gà được tẩm mật ong nướng là món lạ miệng quyến rũ. Những loại rau rừng tuy "xấu háy" nhưng giòn rụm, bổ dưỡng hơn các loại rau trồng xử lý phân thuốc hóa học. Rồi những hột cơm được nấu bằng gạo lúa mùa trồng quanh rừng mới ngon làm sao. Chưa sụp tối, với một bụng thỏa thuê món ngon lạ miệng, du khách rời Rừng tràm Trà Sư trong mùi hương tràm ngan ngát tỏa khắp xung quanh. Nó như ôm chầm lấy ta, ve vuốt cảm quan như gọi mời ngày trở lại, rất gần và rất xuyến xao cảm hoài./. |
Cung cấp các Chương trình Tour Du Lịch 2016, Dịch vụ Du Lịch, Bán Vé Máy Bay, Cho thuê xe du lịch, Làm Visa, Khách sạn giá rẻ. TanSonNhatAirPort.Com
Monday, October 27, 2014
Khám phá rừng tràm Trà Sư (An Giang) mùa nước nổi
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment