Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo kinh tế - xã hội xã Mỹ An (Thạnh Phú) ngày càng chuyển biến rõ nét, khai thác phát triển kinh tế du lịch huyện nhà là những gì mà làng nghề bó chổi Mỹ An mang lại.
Niềm vui nơi làng nghề bó chổi
Từ thành phố Bến Tre xuôi theo quốc lộ 60, qua cầu Hàm Luông, đi thẳng hơn 60 km du khách sẽ đến với xã Mỹ An - huyện Thạnh Phú, một xã cù lao với địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt được tách ra từ 02 xã Mỹ Hưng và An Thạnh trước đây. Nơi đây, có một làng nghề bó chổi vẫn được người dân giữ gìn và phát triển cho đến hôm nay.
Những sản phẩm thủ công truyền thống nơi làng nghề bó chổi Mỹ An |
Đến đây, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy những người nghệ nhân, các thợ thủ công lành nghề, nhanh thoăn thoắt làm nên những cây chổi được bó thật đều, thật chặt và đẹp mắt. Nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp trong xã nhưng tập trung nhiều nhất là ở ấp An Hòa - điểm xuất phát đều tiên ở làng nghề. Lúc đầu chỉ có một vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ở địa phương. Đến năm 2006, nghề bó chổi ở ấp An Hòa bắt đầu phát triển mạnh và trở thành nơi cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước và đặc biệt trong thời gian gần đây còn xuất sang thị trường Campuchia, Lào.
Năm 2011, làng nghề bó chổi ấp An Hòa - Mỹ An được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp thứ 18 của tỉnh Bến Tre, mở ra một hướng mới cho việc phát triển sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2012, làng nghề bó chổi Mỹ An được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi để làng nghề bó chổi Mỹ An phát triển, đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn nữa.
Hiện tại, làng nghề bó chổi Mỹ An có hơn 200 hộ tham gia nghề bó chổi và có hơn 30 cơ sở sản xuất với quy mô lớn. Hàng năm, làng nghề bó chổi Mỹ An xuất hơn 1 triệu sản phẩm các loại ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Để có đủ nguyên liệu cọng lá dừa nhằm phục vụ cho sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, các cơ sở sản xuất ở đây còn thu mua thêm nguyên liệu từ các nơi khác như: Mỏ Cày, Ba Tri, Châu Thành, Tiền Giang,… Làng nghề bó chổi Mỹ An vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương cho gần 500 lao động tại chỗ, doanh thu đạt được từ 22 - 25 tỉ đồng, Năm 2013, làng nghề đã xuất bán trên 8,5 triệu sản phẩm các loại, giải quyết việc làm cho hơn 618 lao động trong đó lao động thường xuyên là 493 và lao động thời vụ là 125 người. Mỗi lao động bó chổi bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Về làng nghề bó chổi Mỹ An, đi từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng có hình ảnh của người bó chổi, có nhiều hộ gia đình từ người lớn đến trẻ em đều biết bó chổi, ở một số cơ sở sản xuất thì đông đúc hơn, không khí làm việc luôn nhộn nhịp và rộn rã tiếng nói cười. Đây là cơ hội để địa phương đầu tư phát triển bền vững nghề truyền thống này.
Nhiều điều kiện phát triển du lịch
Mỹ An với lợi thế sông nước hữu tình, con người hiền hòa mến khách. Huyện Thạnh Phú đang đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút thu khách về với huyện biển Thạnh Phú. Nhiều di tích văn hóa - lịch sử quan trọng như: Di tích nơi xuất binh của tiểu đoàn 516, ở Đại Điền, nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, di tích đường Hồ Chí Minh trên biển đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre công nhận là khu du lịch địa phương, trong đó điểm nhấn là du lịch cồn Bửng (Thạnh Phong) đang ngày càng thu hút thu khách. Ngoài ra, Thạnh Phú còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: Làng nghề đúc lu Hòa Lợi, chằm nón ở Mỹ Hưng, bánh dừa Giồng Luông, một đặc sản mang hương vị quê hương xứ dừa, … góp phần cho sự phát triển du lịch. Thạnh phú đang đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng nhiều chương trình tham quan hấp dẫn để thu hút du khách trong đó chú trọng khai thác các loại hình du lịch như: Du lịch biển, du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch làng nghề.
Trong điều kiện phát triển du lịch của Bến Tre hiện nay, loại hình du lịch làng nghề đang dần khẳng đỉnh sự phát triển mới như một xu hướng tất yếu. Vì vậy, làng nghề bó chổi Mỹ An nếu khai thác tốt những điều kiện này sẽ vừa phát triển mạnh làng nghề của mình thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường, đồng thời sẽ thu hút được khách du lịch tham quan tạo thêm một nguồn thu nhập ổn định từ du lịch, khách đến tham quan làng nghề vừa được trải nghiệm sản phẩm nơi làng nghề, xem nghệ nhân biểu diễn, vừa mua sản phẩm làng nghề tại chỗ, sản phẩm nơi làng nghề sẽ được xúc tiến, quảng bá thông qua các chương trình du lịch./.
No comments:
Post a Comment