Sunday, December 6, 2015

Một ngày tháng Mười Hai.


Cơn giông chiều nay bỏ qua nửa phía Bắc của hòn đảo, trả lại bầu trời vẻ trong xanh vốn có, đã và đang khiến bao nhiêu bạn Nga ngố bụng phệ bỏ mười mấy tiếng máy bay và vài nghìn đô la để chiêm ngưỡng hàng năm. Samui đang ở thời kì thời tiết tệ nhất trong năm, trong khi dự báo thời tiết hàng ngày vẫn khẳng định, ba hôm nữa, chỉ ba hôm nữa, không hơn, các bạn có thể giặt phơi quần áo bình thường. Nếu có mốc meo gì, đã có bột giặt nước xả ... ten tèn tén nhác nổi lên quảng cáo bắt đầu. Chả biét bao giờ mới khô ráo.  


Bãi biển Bangrak

Người Thái, chưa kịp hết phấn khởi vì một mùa Loykrathong thành công, ít thương vong và tai nạn hơn năm ngoái, thì đã lại hưởng thụ kì nghỉ lễ dài nhân dịp sinh nhật Vua Ramma 9. Mình nhớ cũng ngày này cách đây 5 năm, hai phe áo đỏ áo vàng khi đó đang biểu tình bất bạo động ngồi chật phố, đã hồ hởi bắt tay nhau thoả thuận nghỉ cãi nhau mấy ngày, về lo trang trí nhà cửa đường phố cho đẹp. Có gì, mấy hôm sau hết nghỉ lễ thì cãi tiếp! Cãi hơn 200 năm nay, nghỉ mấy hôm... có sao! Cãi nhau kiểu đó thấy cũng ngộ ghê! Mình thì chỉ chìm trong nỗi lo về ba cối giặt sau kì nghỉ dài sẽ không kịp khô trước khi mốc kéo đến.

Sáng đi chợ mua đồ ăn nghe mấy chị kể chanh lại tăng giá, chỉ biết cười tủm tỉm mong cho Samui không rơi vào tình trạng "khủng hoảng thiếu" chanh như mấy tháng trước (thiếu đến độ mấy hàng somtam với tomyum phải dùng nước chanh hoá học vì chanh hiếm quá). Người ta vốn dễ vui về những cái cây hơn những đường dây điện, về những ngôi nhà tập thể kiểu cũ hơn những bãi đậu xe công cộng, về những cái chợ hơn là những cái siêu thị, vì chúng luôn kể những câu chuyện, bằng những kỉ niệm thực bằng những cảm xúc dễ gọi tên. Quả chanh ấy, một nửa pha nước chanh, một nửa pha nước chấm bún xào, (cùng quả đu đủ dưới hình) sẽ mãi là câu chuyện của ngày hôm nay.

Cây đu đủ trước cửa nhà Xoài, nó thì cứ giục Mày lấy về mà làm somtam, mình thì không biết trèo huhu
Sáng nhắc là "Này em chỉ ở đây một tuần nữa thôi đấy nhé, liệu mà đối xử tốt với em đi" thế xong lát sau tự thấy mình tong tả mắm mỡ nấu Bún thịt xào với Cháo lươn cho anh ta với lí do "Em đi lâu anh sẽ rất nhớ đồ ăn Việt Nam". Tình yêu, dẫu không đem lại hạnh phúc luôn luôn thì rốt ráo nó vẫn khiến người ta có thêm (nhiều) lí do để vượt qua nghịch cảnh. Nhề?







Đã dặn là sẽ đừng yêu nhiều quá, hãy chỉ là thêm một chàng trai để nhớ về mỗi tháng Mười Hai.

Saturday, December 5, 2015

Hướng dẫn đi Pai, Chiang Mai cụ thể nhất.


Từ Bangkok, mình đi tàu hỏa tới Chiang Mai. Trung bình một ngày có tới hơn 5 chuyến chạy tuyến này, các bạn có thể check online nhưng không mua online được mà phải đến trực tiếp bến tàu Hualampong (đi tàu điện ngầm MRT đến ga Hualampong rồi băng qua đường là tới) để mua vé. Thời gian tàu chạy là từ 12-14 tiếng tùy loại tàu, tàu nằm có giá từ 900baht, tàu ngồi rẻ nhất 250baht. Mình đi tàu ngồi, chậm, từ 1h chiều hôm trước tới 5h sáng hôm sau thì tới nơi. Cũng may các khách sạn ở Chiang Mai hầu hết cho khách check in sớm trước 12h, như trường hợp căn hộ mình thuê, họ cho nhận phòng bất cứ lúc nào trong ngày với điều kiện thông báo trước ngày giờ đến nơi. 

Về  nơi nghỉ, mình ở 2 ngày trong khu Nimman, 3 ngày ở nhờ chị bạn ở khu chung cư cạnh Maya (khu trung tâm thương mại lớn mới mở) và 3 ngày ở khách sạn U Chiang Mai tại vị trí trung tâm của Old city) Mình nói qua ưu điểm của từng khu như sau:

- Nimman: nhiều hostels, nhiều hàng ăn, nhiều quán cafe, quán bar (ở đây không thấy có vũ trường) thu hút các bạn trẻ từ 18-25 tuổi. Các quán mở muộn, trang trí đẹp mắt, có phong cách.
iBerry một khu tổ hợp ăn uống do nghệ sĩ diễn viên hài Udom người Thái lập nên
- Chung cư: Chiang Mai có rất nhiều các nhà chung cư xây sẵn cho thuê, nếu  chọn ở cách khu trung tâm đông đúc (xa là khoảng 3km thôi ạ) thì giá thuê rất rẻ, khoảng 5-700baht nếu thuê cả tháng và khoảng 3-500baht theo ngày. Ưu điểm là an toàn, có dịch vụ phòng, giá rẻ, phục vụ đầy đủ các nhu cầu cơ bản, dễ gần chợ và có nhiều món ăn ngon rẻ. Các bạn có thể tham khảo airbnb để tìm hiểu trước khi đến. 
Bà cụ bán Sai Oua trong ngõ nhỏ bên tay trái hàng sửa xe có tên Nat motor ở khu Think Park.
Sai Oua được làm tươi hàng ngày thơm ngon nóng hổi, 25baht/lạng với 5 baht/1 gói xôi
- Old City: như các bạn xem bản đồ, là một khu thành cổ vuông vắn được xây từ thế kỉ từ 14 bởi các vị vua người Lanna, người Thái cổ. Khu vực này rất nổi tiếng với walking tour- tour du lịch thăm thú chùa (có hơn 200 ngôi chùa lớn nhỏ) và ăn uống tại các nhà hàng được đánh giá cao. Bạn nào đi du lịch cùng người yêu, người nhà, mình reccomend khách U Chiang Mai bởi dịch vụ tốt và đồ ăn ngon. Khách sạn ở tầng 1 nhà hàng có menu giữ nguyên các nấu truyền thống và nâng cấp bằng những nguyên liệu đắt tiền nên món nào cũng ngon. Giá khoảng 240baht (chưa tới 200k) một món. Đây là điểm mình đánh giá cao nhất ở khách sạn này, bên cạnh chính sách cho khách check-in 24/24h và ăn sáng mọi lúc trong ngày. Xem thêm ảnh trên facebook ở ĐÂY


Đồ ăn của Chiang Mai thì nổi tiếng với món Khao Soy, không ăn thì chưa được tính là đã đến đây. Mình recommend mấy quán dưới đây
- Khao Soy Khun Yai: nằm ở phía ngoài khu Old city, cạnh chùa Ngựa/Horse Temple, mở cửa từ 9h sáng đến 1h chiều, tuy nhiên các bạn phải đến trước 11h vì hàng này nổi tiếng nên hết hàng rất nhanh.
Tuy được nhiều người recommend nhưng mình chỉ cho nhà hàng này 7 điểm, vì phục vụ khá chậm và hay hết hàng, lần nào đến sau 11h cũng chờ chán chê rồi bị báo là phải chuyển sang gọi món khác. 
- Khao Soy Nimman có ưu điểm là dễ tìm, nhiều lựa chọn (ngoài lựa chọn truyền thống là ăn với thịt đùi gà, các bạn có thể ăn kèm với các món Bắc Thái khác như Sai Oua, thịt lợn rang ngọt, hải sản. Giá 65baht cũng k phải quá đắt vì dịch vụ nhanh, thân thiện, chỗ ngồi đẹp và thoải mái, lại bán suốt cả ngày. 

- Khao Soy tại nhà hàng Eat&Drink của khách sạn U Chiang Mai: vừa giữ được cách nấu truyền thống vừa sử dụng các nguyên liệu cao cấp nên mình chấm cho địa điểm này 10 điểm trên 10.



Một số các món ăn khác
Kha nom jeen nam nghiew - giống bún thịt chua của Việt Nam, ăn kèm tiết gà luộc và các loại rau.

Cửa hàng bánh Charin Pie ở ngõ 13 khu Nimman
Bánh táo, bánh dừa và bánh white chocolate cheese là 3 loại bánh mình ăn thử và rất thích. Giá 75baht/piece

Huen Jai Yong - Một nhà hàng kết hợp tham quan và trưng bày văn hóa Bắc Thái ở cách thành phố khoảng 20km

Món ếch nấu canh chua. Đằng sau là menu các món ăn đặc trưng mà nhà hàng chuẩn bị để thực khách dễ gọi
Thực đơn dễ hiểu và thân thiện với những khách hàng không biết đọc chữ Thái.
Khuyến mại link địa điểm cho những ai quan tâm: https://goo.gl/maps/fmq3PXjfTX62
Đương nhiên là không nên bỏ qua trà sữa Thái
Một cửa hàng đồ ăn Isaan ở cuối ngõ Nimman soi 6, đối điện soi 9 và cửa hàng Seven Eleven ở ngay ngã tư. Đồ ăn ngon và bán muộn, một set 3 món gồm: canh sườn non nấu cay, xôi và thịt lợn nướng. 
Để di chuyển tại Chiang Mai, các bạn có vài lựa chọn sau
- Thuê xe máy: 200baht cho xe số, 250baht cho xe ga. Mình thuê ở cửa hàng Bikky Chiang Mai
- Đi Song theow: 20-30baht/người nếu bạn di chuyển gần, ví dụ trong khu Old city hoặc khu Nimman. 40-50baht nếu bạn muốn đi xe hơn ví dụ từ Old City đến bến xe Arcade hoặc đi lại giữa Old City và Nimman chẳng hạn
- Đi tuk tuk: Đắt hơn Song theow khoảng 10baht với cùng chặng đường 
- Thuê xe đạp: Mình không thuê nên không biết giá, nhưng vì đi xe máy quá tiện rồi nên cũng k có ý định thuê xe đạp.

Các địa điểm tham quan xung quanh Chiang Mai các bạn có thể tham khảo qua Tripadvisor các bạn chú ý có các chợ cuối tuần rất nhiều thứ hay ho để ăn và để chụp ảnh nhé. Vì mình thích chùa nên ngoài thời gian làm việc, mình chỉ đi loanh quanh tham quan, ăn uống, chụp ảnh. À có một hôm đi xem fim ở trong khu Maya nữa, thứ Tư là ngày khuyến mại 100baht (tương đương 70k) đồng giá các suất chiều các bạn ạ.

Mình đến Chiang Mai vì muốn tham gia ngày lễ Loykrathong nên mình chia sẻ luôn kinh nghiệm về ngày lễ này. Địa điểm lí tưởng nhất để xem cảnh tượng 'dòng sông' đèn lồng bay lên trời vẫ là đại học Maejo (các bạn tra trên Google Maps) Khu vực phải mua vé là nơi được các nhiếp ảnh gia ưa thích nhất. Khi mua vé với giá 3000baht, các bạn sẽ được dặn mặc đồ đẹp, thường là đồ trắng nhìn sang trọng bắt mắt, sẽ được xếp chỗ đứng tại nơi thả đèn, mỗi người có vị trí cố định, cách nhau vừa phải bao nhiêu bao nhiêu mét gì đấy Bạn nào muốn tìm hiểu về nguồn gốc ngày lễ có thể tham khảo link này: Các bức ảnh lung linh và nhìn rất có quy củ được bày bán trên mạng là chụp trong khu có set-up đấy. Vì giá vé cao (3000baht) và số lượng có hạn, nên không phải ai cũng mua được. Số lượng đó vẫn tụ tập tại bãi cỏ bên ngoài trường và tổ chức thả đèn... với nhau.


Nhưng dù thả ở trong hay ở ngoài thì hai bên đều thống nhất là sẽ thả đèn cùng lúc vào khoảnh khắc 9h tối, cảnh tượng lúc ngước nhìn lên thật khó tả bằng lời. 

Tiếc là mình vừa không kịp mua vé, vừa đến trễ 15 phút nên chỉ có thể nhìn dòng sông ánh sáng ấy cuốn theo gió lên trời từ xa. Một địa điểm nữa mọi người cũng hay thả đèn là chợ đêm ở sông Ping, tuy nhiên mình không khuyến khích vì đó vẫn là trong thành phố, nhiều dây điện chằng chịt, nguy cơ cháy nổ cao.


Ngoài ra nếu bạn nào đọc link bài viết về Loykrathong sẽ để ý thấy rằng người Thái còn thả một loại đèn hoa đăng xuống nước nữa, thả đèn trời nặng tính thương mại và quảng bá du lịch hơn. Nếu các bạn trên đường từ đại học Maejo về khu trung tâm thành phố, đừng quên ghé thăm các ngôi chùa dọc sông Ping vào khoảng thời gian 10h-12h đêm. Đây là thời điểm người dân ra ngoài và bắt đầu những nghi thức thả đèn theo cách truyền thống. 




Rất may là Matt đã chọn dừng ở ngôi đền có tên ... (chưa nhớ ra) và mình có dịp tham gia vào một nghi lễ thiêng liêng nhất nhì của đất nước này. Lúc thả đèn trời mình còn bận giân dỗi vì hụt mất cảnh đẹp, nên chẳng dành thời gian gì mấy, chỉ muốn chóng chóng chụp ảnh xong đi về, thì lúc ở đây mình có thời gian thả đèn một cách chân thành, gửi một chút suy nghĩ về tới những người thân yêu. Trong tiếng Thái, hạnh phúc được ghép từ hai từ Dee-nghĩa là vui, Chai-nghĩa là trái tim, lần đầu tiên mình cảm nhận được cảm xúc Dee Chai đó một cách rất trọn vẹn, như một sợi dây gắn kết vô hình với nền văn hóa nơi này.



Sư thày làm lễ buộc chỉ tay cầu may mắn cho hai đứa và dặn năm sau nhớ quay lại. 
Matt tuy cũng ấm ức vì không chụp được cảnh thả đèn nhưng cũng phấn khích không kém khi thấy một dòng sông nến lung linh hihi
Một khay 12 đèn thân chuối có giá 40baht. Mình đưa 200baht ngta đưa cho năm khay hơn 60 đèn. Thả cho cả họ Hà Nội luôn í nhờ :))

Sau 3 ngày ở ChiangMai mình bắt xe minivan đi Pai - một vùng cao nguyên núi nổi tiếng xinh đẹp - khởi hành từ bến xe Arcade lúc 7:30 sáng. Trung bình xe chạy 1 tiếng 1 chuyến từ 6:30 sáng tới 5:30 chiều, xe 14 chỗ, dừng 1 lần trên đường đi phục vụ nhu cầu toilet, giá vé là 150baht/chiều. Từ bến xe này các bạn có thể bắt xe bus với các giờ tương tự, xe 80 chỗ, giá 80baht. Ngoài ra từ Chiang Mai cũng có một hãng máy bay tư nhân bay hàng ngày đến Pai, có giá dao động từ 1300baht-1900baht tuỳ ngày. Tất cả các phương tiện trên đều nên book ở bến xe Arcade, rất nhanh và dễ, khỏi cần qua trung gian nào hết. Bến xe cách trung tâm Chiang Mai khoảng 6km, bên kia sông Ping.


Từ Chiang Mai tới Pai là hơn 110km, nhưng vì nhiều cua quẹo, đèo dốc, nên thường xe đi hết 3,5 tiếng cả nghỉ giữa đường. Có nhiều bạn hỏi mình có nên đi xe máy không, thì mình trả lời là Không, vì thời điểm mình đi đường đang cơi nới và sửa nhiều đoạn, không thuận tiện cho lắm. Tại Pai, mình nhìn thấy không ít các bạn nước ngoài tay chân băng bó vì tai nạn dọc đường cũng ớn lắm, hơn nữa, các phương tiện công cộng rẻ và tiện như vậy thì cũng không tội gì. Thời gian ở Pai khoảng 2 đêm 3 ngày là đủ để check-in các danh lam thắng cảnh nơi đây, các bạn nên có kế hoạch và mua vé xe về trước ÍT NHẤT 1 ngày để có giờ mong muốn.

Thời điểm mình đi là vào sau lễ Loy Krathong - lễ thả đèn nổi tiếng của Thái Lan có thể nói là thời điểm khởi đầu cho mùa cao điểm cho du lịch Thái Lan, tuy nhiên không quá khó khăn để tìm nhà nghỉ ở Pai. Từ bến xe bus, các bạn có thể đi dọc theo trục đường chính và rẽ vào các ngõ nhỏ để tìm các nhà nghỉ. Các guesthouses, hostels chỉ tăng giá xíu xiu, dao động từ 350-600baht/đêm, các villa resort sang trọng hơn có giá từ 1200baht cho phòng mountain view, cũng khá mềm so với Sapa. Các địa danh tham quan ở Pai cũng không xa nhau lắm, từ thị trấn đi đâu cũng tiện. Nói thị trấn cho oách chứ thực ra khá nhỏ, chỉ gồm 12 đường ngang-dọc cắt nhau như ở Hội An, có 4 siêu thị tiện ích 7/11, nên các bạn khỏi lo mua các vật dụng thiết yếu từ trước, có nhà thuốc, cực kì nhiều nhà hàng ăn và quán cafe. Đoạn này nói trong album cực kì chi tiết luôn!!!

Thuê xe máy ở Pai cũng dễ. Chỗ uy tín nhất là cửa hàng có tên Aya, giá 150baht/ngày cho xe scooter 115cc và 200baht/ngày cho xe phân khối lớn hơn, kèm bảo hiểm 40baht/xe. Đừng ki bo tiết kiệm khoản này nhé vì nếu xe có lỡ xây xát gì thì họ bắt đền cũng phải 1000baht đổ lên nếu không có bảo hiểm đó. Mình đổ 100baht tiền xăng mà đi 4 ngày không hết, Pai nhỏ xíu vậy đó :))

Đồ ăn ở Pai (đáng tiếc) không nhiều như Chiang Mai, nhưng cá nhân mình thấy rẻ và ngon, kể cả đồ Tây. Ví dụ một set American breakfast có giá 90baht, cơm và các món lẻ từ 50-80baht, đồ uống sinh tố các loại 25-30baht.

Kway teow tomyum sườn non 

Về các địa điểm tham quan thì các bạn (lại) lên Tripadvisor search và dùng google maps để tra cứu địa điểm là ra. Mình thích đi chùa và thích mấy chỗ thiên nhiên một tí nên dành 1 ngày để check tất cả các địa điểm touristic, còn lại dành trọn 3 ngày để đi lòng vòng tham quan chùa chiền, đọc sách, ún cà phe, chụp ảnh núi non và đi tắm suối nước nóng (thích lắm í!!!). Thiên nhiên ở Pai còn rất hoang sơ, trên đường đi chơi mình chụp được rất nhiều cảnh đẹp mà không tả được trên bản đồ.


Xem ảnh và chú thích trên facebook tại ĐÂY


Thời tiết ở Pai trước tháng 12 không rét lắm, trừ sáng sớm. Từ 10h sáng đến 4h chiều, trời nắng rực rỡ và nhiệt độ khoảng 28 độ C, quần đùi áo cộc chạy ầm ĩ được. Ngoài khung giờ đó thì nên mang áo khoác dày chút và khăn tất đầy đủ. Nghe nói năm nay mùa rét đến muộn, chứ tầm này mọi năm là đã lạnh lắm rồi, thậm chí có nơi có tuyết. 

Dã quỳ rực rỡ mọi nẻo đường.

Thôi thông tin chung chung vậy là nhiều rồi, bạn nào quan tâm xin mời click xem ảnh đọc caption. À còn lời cuối mình muốn nhắn nhủ, hãy du lịch văn minh và thông thái. Muốn văn minh và thông thái, hãy đối xử với thiên nhiên và người bản địa như cách bạn muốn khách du lịch đối xử với thiên nhiên và người Việt Nam. Để sau mỗi chuyến đi, đằng sau những tấm ảnh đẹp là những câu chuyện đẹp.

 Xin cảm ơn!